Hồi đầu thảo (củ điền thất): Khám phá tiềm năng của loại dược liệu phổ biến

Hồi đầu thảo là một loại dược liệu phổ biến ở vùng núi phía Bắc, được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, loại dược liệu này còn nhiều tiềm năng hỗ trợ điều trị một số bệnh mà chưa được nhiều người biết đến. Hãy cùng khám phá ngay qua bài viết dưới đây!

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế

  • Còn gọi là vùi đầu thảo, vùi sầu, vạn bốc, củ điền thất, thủy điền thất. Người Tày gọi là mần tảo lấy, hồi thầu, tên Thái là bơ pĩa mến.
  • Tên khoa học Schizocapsa plantaginea Hance.
  • Thuộc họ Râu hùm Taccaceae.

1.2. Đặc điểm thực vật

Cây hồi đầu thảo thuộc thân thảo, sống hằng năm, cao khoảng 20-30cm và mọc thành từng bụi. Lá của cây giống như lá nghệ, phình to và nhọn ở đầu, có hình trái xoan thuôn. Quả cây có dạng nang và mở không đều, bên trong chứa hạt nhỏ có vỏ màu nâu hình thoi. Thân rễ của cây có hình dáng phình to, màu vàng nâu và thơm như nghệ.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

Hồi đầu thảo phát triển chủ yếu ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Lào… Tuy nhiên, việc khai thác loại dược liệu này vẫn còn ít. Thông thường, cây hồi đầu thảo mọc hoang ở vùng rừng núi hoặc được trồng trong vườn, thích ẩm thấp và ven bờ suối. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Lào Cai đều có cây hồi đầu thảo. Khi thu hái, toàn bộ cây sẽ được nhổ lên và sau đó được chế biến bằng cách cắt bỏ lá và phần rễ con mọc xung quanh củ. Sau đó, củ thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.

Tham khảo  Rau Ngổ Trâu: Cây thuốc với nhiều công dụng

1.4. Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng chính của cây hồi đầu thảo là thân rễ, còn được gọi là Rhizoma Taccae.

Hình ảnh mô tả rễ của cây Hồi đầu thảo
Hình ảnh mô tả rễ của cây Hồi đầu thảo

2. Thành phần hóa học

Trong hồi đầu thảo có chứa 1.12 đến 1.14% diosgenin, cùng với các saponin Taccaoside và SSPH I.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo Y học cổ truyền

Hồi đầu thảo được sử dụng trong y học cổ truyền như một vị thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như tiêu hóa kém, đau bụng, ỉa chảy, sốt vàng da, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, suy nhược thần kinh, đau dây thần kinh và huyết áp cao.

3.2. Theo Y học hiện đại

Dù nghiên cứu về hồi đầu thảo còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu hiện tại đã cho thấy tiềm năng của loại dược liệu này. Một số nghiên cứu trên tế bào ung thư gan (HCC) đã chỉ ra rằng hồi đầu thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của các dòng tế bào HCC thông qua quá trình “chết theo chu trình” (Apotosis). Saponin SSPH I, một chất hóa thực vật có hoạt tính sinh học mới được phân lập từ cây hồi đầu thảo, cũng đã chứng minh có khả năng chống ung thư trong các nghiên cứu tiền lâm sàng.

Hồi đầu thảo được kỳ vọng sẽ là một loại dược liệu thay thế và cung cấp một lựa chọn điều trị ung thư gan và các loại ung thư khác. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận hiệu quả của loại thuốc này trên các mô hình động vật và thử nghiệm lâm sàng.

4. Cách dùng và liều lượng sử dụng

  • Mỗi ngày dùng 4 – 20 gram dưới dạng thuốc sắc.
  • Có thể ngâm rượu uống.
  • Đơn thuốc chữa huyết áp ở phụ nữ: Hồi đầu thảo 20 gram, hương phụ chế 18 gram, nước 300ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Đơn thuốc chữa kinh nguyệt không đều: Mỗi ngày lấy 10 gram bột hồi đầu thảo pha với nước đun sôi để nguội uống. Bắt đầu uống thuốc sau ngày có kinh khoảng 2 tuần và điều trị trong 10 ngày.
Tham khảo  Cây thần xạ và những ưu điểm cho sức khỏe

5. Nhắc nhở

Do thể trạng mỗi người khác nhau, liều lượng của các vị thuốc có thể được gia giảm cho phù hợp. Vì vậy, không nên tự ý áp dụng mà cần có ý kiến từ các bác sĩ y học cổ truyền. Quý bạn đọc nên đến gặp bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của bạn đọc ở bài viết khác.

Mục nhập này đã được đăng trong Đông y. Đánh dấu trang permalink.