Sung

Sung, Ưu đàm thụ – Ficus racemosa L., thuộc họ Dâu tằm – Moraceae.

Mô tả: Cây cao tới 15-20m. Lá hình ngọn giáo hay bầu dục, mọc so le, thường bị sâu ký sinh, tạo thành mụn nhỏ. Cụm hoa trên đế hoa lõm, phát triển thành túi kín bao lấy hoa ở bên trong, các cụm hoa này xếp thành chùm ở thân và cành. Quả Sung (thực chất là đế hoa bao lấy quả thật ở bên trong) khi chín màu đỏ.

Mùa hoa tháng 6-11.

Sung
Sung

Bộ phận dùng: Nhựa; lá và vỏ cây – Latex, Folium et Cortex Fici Racemosae.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Đông Dương và Ấn Độ mọc hoang và cũng được trồng. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Nhựa chích từ thân cây tươi. Lá dùng tươi hay phơi khô, hoặc đốt tồn tính, tán bột, chọn những lá có mụn càng tốt. Đẽo vỏ cây, cạo lớp vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Sung có vị ngọt, hơi chát tính mát; có tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thũng, tiêu viêm, sát trùng, bổ máu. Vỏ cây có vị chát. Quả có vị chát; có tác dụng lợi tiêu hoá, lợi trung tiện.

Công dụng: Nhân dân thường lấy quả non và lá non dùng làm rau ăn cho lợi sữa; lộc Sung dùng gói nem như lộc Ớt. Sung cũng đã được dùng làm thuốc trong dân gian từ lâu đời. Nhựa mủ dùng bôi ngoài trị các chứng sang độc, chốc lở, đinh nhọt các loại, ghẻ, còn dùng trị bỏng. Cành lá cũng như vỏ có thể dùng trị phong thấp, sốt rét, đàn bà đẻ ít sữa. Quả Sung xanh dùng cầm ỉa chảy, quả chín bổ. Thường dùng 10-20g cành lá, vỏ cây sắc uống. Nhựa Sung dùng bôi, có thể trộn thêm ít vôi bột.

Ở Ấn Độ, rễ Sung được dùng trị lỵ, nhựa rễ dùng trị bệnh đái đường; lá làm thành bột và trộn với mật ong dùng trị bệnh về túi mật; quả được dùng trị rong kinh và khạc ra máu; nhựa Sung dùng trị bệnh trĩ và ỉa chảy.

Tham khảo  Bần

Ở Inđônêxia, dùng chữa đau dạ dày và ruột, ngộ độc, rắn cắn.

Đơn thuốc:

1. Chữa nhức đầu: Phết nhựa Sung lên giấy rồi dán ở hai bên thái dương. Chữa liệt mặt thì dán vào bên phía mặt không bị méo.

2. Chữa bỏng: Hoà nhựa Sung với lòng trắng trứng gà phết lên giấy bản rồi dán.

3. Trẻ em lở ghẻ: Dùng lá Sung non giã nhỏ xát vào sẽ làm bong vẩy (Nam Dược thần hiệu).

4. Mặt nổi cục sưng đỏ như hạt đào, hạt mận: Dùng lá Sung tật (có mụn) nấu nước uống, xông rửa hằng ngày (Bách gia trân tàng).

5. Đàn bà đẻ ít sữa: 10-20g cành lá hoặc vỏ Sung sắc uống, phối hợp với lõi cây Thông thảo, quả Đu đủ non, chân giò lợn nấu ăn. Hoặc dùng quả Sung, quả Mít non hay dái Mít thái nhỏ, nấu cháo với gạo nếp hoặc nấu canh ăn.

6. Sốt rét: Lá Sung rụng xuống bùn đem rửa sạch phơi khô, rồi thái ra sao thơm, mỗi ngày dùng 100g sắc uống 1 lần, sắc lấy 2 nước uống làm 2 lần sáng và tối. Liên tục trong 5 ngày (Kinh nghiệm dân gian).

Nguồn: https://www.lrc-hueuni.edu.vn/

Mục nhập này đã được đăng trong Đông y. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *