Tìm hiểu về Sài hồ: Công dụng và các bài thuốc chữa bệnh

Sài hồ, một dược liệu quen thuộc trong nhiều bài thuốc Đông y với những tác dụng lợi mật, bảo vệ gan và tăng cường hệ miễn dịch. Để hiểu rõ hơn về dược liệu này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị dưới đây.

1. Sài hồ là cây gì?

Những thông tin cơ bản về dược liệu Sài hồ:

  • Tên dược liệu: Sài hồ
  • Tên gọi khác: Bắc sài hồ, Sà diệp sài hồ, Thiết miêu sài hồ, Trúc diệp sài hồ…
  • Tên gọi khoa học: Bupleurum chinense DC
  • Thuộc họ: Umbelliferae (Hoa tán)
    Dược liệu Sài Hồ

2. Đặc điểm nhận diện dược liệu

Dược liệu Sài hồ được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản. Vào năm 1994, Viện Dược Liệu đã nhập Sài hồ từ Nhật Bản về trồng thử ở Trại thuốc Sa Pa và Tam Đảo.

Hiện nay, nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra nhiều công dụng chăm sóc sức khỏe của Sài hồ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, dược liệu này được nhiều trung tâm và cơ sở nuôi trồng, bào chế làm thuốc.

Để nhận biết Sài hồ, bạn có thể tìm hiểu qua các đặc điểm sau:

  • Dược liệu giống cây bụi, có chiều cao trung bình khoảng 40 – 80cm.
  • Cây được phân thành nhiều nhánh nhỏ, đâm từ gốc ra.
  • Thân cây nhẵn, khi còn non có màu xanh đậm, ít lông. Khi cây trưởng thành và già có màu xanh sẫm hoặc hơi tím tía, không có lông.
  • Lá cây hình thìa, lá phía dưới có cuống ngắn, lá phía trên không cuống mọc so le nhau. Phiến lá dày, láng ở mặt lá trên và nhạt ở mặt dưới. Khi sờ vào lá, có mùi thơm hắc.
  • Hoa mọc thành từng cụm, có màu vàng.
  • Rễ nhỏ, gầy, hình trụ, ít phân nhánh, có màu vàng ngà, mùi thơm, vị đắng.
  • Mùa hoa quả nằm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10.
Tham khảo  Bán hạ nam: Vị thuốc giúp giải độc và chống ho

3. Thu hái và chế biến

Bộ phận sử dụng làm thuốc là phần rễ và lá của Sài hồ. Sau khi thu hái, bạn có thể chế biến như sau:

  • Cắt bỏ phần rễ con, rửa sạch với nước để loại bỏ tạp chất và bụi bẩn.
  • Phơi hoặc sấy dược liệu để sử dụng.
  • Bảo quản trong túi nilon, đặt nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.

4. Tính vị

Sài hồ có vị đắng, tính mát. Quy vào kinh Can, Đởm, Tâm bào và Tam tiêu.

5. Thành phần hóa học

Trong Sài hồ có chứa các hợp chất thuộc nhiều nhóm thành phần như Saikosaponin, tinh dầu và flavonoid.

Hàm lượng các chất trong Sài hồ còn phụ thuộc vào kích thước rễ:

  • Hàm lượng saponin trong rễ là 1.69%, trong thân và lá là 0.29%.
  • Hàm lượng tinh dầu trong rễ là 0.16% và trong thân là 0.05%.
  • Trong lá và thân chứa thành phần rutin.

Ngoài ra, trong rễ Sài hồ còn chứa polysaccharide có hoạt tính sinh học là các bupleuran 2II b và 2II c.

6. Sài hồ có tác dụng gì với sức khỏe?

Không phải ngẫu nhiên mà Sài hồ có mặt trong các bài thuốc chữa bệnh Đông y và được ứng dụng trong Y học hiện đại. Vậy, công dụng của dược liệu này là gì?

6.1. Theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, Sài hồ có tác dụng:

  • Chữa chứng cảm mạo với biểu hiện lúc nóng lúc rét, ngực sườn đầy tức, miệng đắng.
  • Chữa sốt rét.
  • Điều trị sơ can giải uất, do uất thường gây ra chứng bệnh như suy nhược thần kinh, rối loạn kinh nguyệt, hysteria…
  • Chữa các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy do thần kinh.
  • Chữa viêm màng tiếp hợp cấp.
  • Điều trị chứng bệnh sa trực tràng, sa dạ dày…

6.2. Theo Y học hiện đại

Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng cho thấy Sài hồ có tác dụng:

  • Giảm đau và hạ sốt: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng rễ Sài hồ có tác dụng hạ sốt. Nghiên cứu này đã được thực hiện trên thỏ và cho thấy sau khi uống Sài hồ (5g/1kg), thân nhiệt thỏ giảm xuống mức bình thường sau 1,5 giờ. Ngoài ra, trong dược liệu còn có hoạt chất Saponin, có tác dụng giảm đau hiệu quả.
  • An thần: Nghiên cứu khoa học đã xác nhận tác dụng an thần của dược liệu, trong đó hoạt chất saikosaponin và saikogenin A có tác dụng an thần rõ rệt nhất. Nghiên cứu này đã được thử nghiệm thành công trên chuột.
  • Chống viêm: Trong Sài hồ có saikosaponin – hoạt chất chống viêm hiệu quả. Nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh tác dụng hiệu quả của hoạt chất này.
  • Điều hòa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể: Nghiên cứu trên chuột đã chứng minh cao chiết với nước nóng từ rễ Sài hồ bắc làm tăng đáp ứng kháng thể, ức chế sự biến đổi của tế bào lympho gây bởi chất tạo phân bào. Từ đó, giúp điều hòa và tăng cường miễn dịch.
  • Bảo vệ gan và tăng cường chức năng gan: Sài hồ được nghiên cứu là có tác dụng cải thiện chức năng gan, bảo vệ gan và phục hồi tổn thương gan. Thử nghiệm ở chuột đã chỉ ra, cao methanol trong dược liệu làm tăng sự phục hồi tổn thương gan cấp tính. Các saikosaponin còn giúp cải thiện chức năng gan, đồng thời dự phòng tổn thương gan và tăng tổng hợp protein ở gan.
Tham khảo  Me nước - Cây Tử du

7. Các bài thuốc về Sài hồ

Sài hồ được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc sau:

7.1. Chữa cảm mạo

Thành phần: 16g Sài hồ; Bán hạ, Hoàng cầm, Đảng sâm (mỗi loại 12g); Chích thảo, Đại táo (mỗi loại 6g).

Cách thực hiện:

  • Tất cả dược liệu cho vào ấm, sắc cùng 500ml nước cho đến khi cạn còn 150ml nước.
  • Dùng thuốc ngay khi còn nóng, uống ngày 2 lần.
  • Áp dụng bài thuốc 2-3 ngày sẽ thấy bệnh được cải thiện.

7.2. Điều trị chóng mặt, buồn nôn, miệng đắng

Thành phần: Sài hồ, Pháp bán hạ, Hoàng cầm, Đảng sâm (mỗi loại 12g); Sinh khương 8g, Cam thảo 4g, Đại táo 3 quả.

Cách dùng:

  • Sắc hết phần dược liệu với 1 lít nước, đun sôi cho tới khi còn 500ml thì dừng lại.
  • Chia thành 2 phần, dùng trong ngày, nên uống vào buổi sáng và tối.

7.3. Bài thuốc chữa nhiễm khuẩn đường mật

Thành phần: Sài hồ, Đại hoàng (mỗi loại 16g); Bạch thược, Uất kim, Hoàng cầm (mỗi loại 12g).

Cách sắc thuốc:

  • Các vị thuốc sắc với 500ml cho tới khi còn 200ml, uống hàng ngày.
  • Nên dùng 10 – 15 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

7.4. Bài thuốc trị viêm gan virus mạn tính

Thành phần: Sài hồ, Đảng sâm, Bạch truật, Bạch thược (mỗi loại 12g); Phục linh, Bán hạ chế (mỗi loại 8g); Cam thảo bắc, Trần bì (mỗi loại 6g).

Cách dùng:

  • Sắc dược liệu với 500ml nước, thực hiện mỗi ngày một thang.
  • Uống liên tục trong 15 ngày để thấy hiệu quả.

7.5. Bài thuốc chữa mất ngủ

Thành phần: Phục linh 10g; Long cốt, Bạch thược, Hoàng sầm, Bán hạ (mỗi loại 5g); vỏ hàu 20g; Sài hồ 4g; Duyên đơn, Quế chi, Cam thảo, Nhân sâm (mỗi loại 3g).

Cách làm:

  • Sắc tất cả dược liệu với 3 bát nước, đun cạn đến khi còn 1,5 bát nước thì dừng lại.
  • Chia số thuốc đó thành 3 phần uống hết trong ngày.

8. Những lưu ý khi sử dụng dược liệu Sài hồ

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, nếu sử dụng dược liệu không đúng cách, không đúng liều lượng có thể gây ra tác dụng phụ:

  • Đối với người bị cao huyết áp khi dùng sai cách có thể dẫn đến đau đầu, ù tai, chóng mặt trong khoảng 7 – 8 tiếng.
  • Dùng quá liều có thể gây xuất huyết hoặc làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Tham khảo  Billbergia (Helicodea): Mẹo và Hướng dẫn chăm sóc

Bên cạnh đó, các thầy thuốc Đông y cũng đưa ra lời khuyên những trường hợp sau không nên sử dụng Sài hồ:

  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
  • Người bị xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh sỏi mật.
  • Người bị lao phổi có biến chứng chỉ nên dùng lượng nhỏ, khoảng 3 – 5g.

Trên đây là những thông tin cơ bản về Sài hồ cũng như những tác dụng mà dược liệu này mang lại cho sức khỏe con người. Hy vọng, bài viết sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích, góp phần chăm sóc sức khỏe gia đình.

Nếu còn băn khoăn, thắc mắc nào về dược liệu, cũng như muốn tìm hiểu thêm về tác dụng của Sài hồ, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 0343 44 66 99 để được hỗ trợ.

*Xem thêm:

  • [Review] top 15+ thuốc giải độc gan, bổ gan tốt nhất hiện nay 2022
  • Xơ gan cổ trướng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
  • Xơ gan nên ăn gì, kiêng gì? [Tổng hợp 29] gợi ý từ chuyên gia gan mật

Mục nhập này đã được đăng trong Đông y. Đánh dấu trang permalink.