Nhân vật Nguyễn Nhật Ánh mang hương thơm tuổi thơ đến Văn Học Sài Gòn!
VHSG- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa gửi đến hai tản văn Cây trái tuổi thơ và Con dao rọc sách hết sức độc đáo cho Văn Học Sài Gòn. Vẫn với lối viết thông minh, dí dỏm Nguyễn Nhật Ánh nâng niu những quả thị mà mình tình cờ bắt gặp rồi mang về nhà “đặt trên bàn viết để bồi hồi nghe hương thơm tuổi thơ quấn quít và nghe quá khứ thao thức vọng về”, đồng thời nhà văn như một thám tử hay nhà điều tra đã bất ngờ khám phá về con dao tội lỗi gắn với nhân vật Loan trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt nổi tiếng của nhà văn Nhất Linh cách đây gần một thế kỷ: “Nàng Thị Nở của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố cầm con dao chặt thịt trong khi gây án thì phù hợp hơn là cô Loan của Nhất Linh. Vì vậy, con dao cô Loan cầm trên tay trong khoảnh khắc lịch sử đó nhất định phải là con dao rọc sách”. VHSG xin cảm ơn thịnh tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trở về tuổi thơ qua hương vị của trái cây
Chiều hôm qua, lúc chạy xe ngang một ngôi chợ nhỏ ven đường, tôi bỗng bắt gặp một cảm giác là lạ. Dường như ánh mắt tôi vừa trông thấy một cái gì đó. Cái gì đó là cái gì, ngay lúc đó tôi không nhận thức được, cũng không thể gọi tên ra, nhưng rõ ràng cái mà cái gì đó vừa gieo vào lòng tôi là một cảm giác rất đỗi thân thuộc, ấm áp và gần gũi.
Dù đang có công việc gấp, nhưng tôi biết tôi không thể chạy luôn: cái cảm giác đó đã níu chân tôi. Tôi quay xe lại, giảm ga và chạy chầm chậm dọc ngôi chợ nhỏ. Những thúng mủng ven đường đựng những món chúng ta vẫn bắt gặp ở một ngôi chợ nửa tỉnh nửa quê: dưa leo, những bó rau muống, các loại cà, những rổ trứng, những rổ cá hấp, cần tây, hành ngò, cà rốt và bắp cải… Tôi lướt mắt một vòng, vẫn chưa nhận ra cái cảm giác kia bắt nguồn từ đâu. Những thứ vừa kể, tôi vẫn trông thấy hằng ngày, chắc chắn không làm tôi xao xuyến đến vậy.
Chạy tiếp một quãng nữa, ngắn thôi, tôi chợt hiểu ra. Cái gì đó kia rồi! Nó đang nằm giữa một thúng thanh long và một thúng măng cụt.
Hồi ức về quả thị và sức hút của trái cây
Đó là một rổ thị chín. Lâu lắm, cơ hồ đã gần hai chục năm, tôi mới lại nhìn thấy một rổ thị chín giữa một ngôi chợ ở Sài Gòn. Thanh long màu đỏ, măng cụt màu tím, những quả thị màu vàng – chúng nằm cạnh nhau trông thật đẹp mắt. Chỉ đẹp mắt thôi, vì dù sao những quả thị vàng – thứ trái cây miền Trung quen thuộc với tuổi thơ tôi – nằm kế hai loại trái cây nổi tiếng của miền Nam trông giống như người đi lạc.
Ở các ngôi chợ làng Quảng Nam vào mùa thị chín vẫn có thị bày bán ngoài chợ. Nhưng những quả thị vàng ươm, tròn tròn, xinh xinh và thơm nức mũi chỉ hấp dẫn trẻ con và các cô gái trẻ. Bọn trẻ mua thị bỏ vào cặp sách, ngăn bàn hoặc túi áo cho thơm, hít hà chán đến khi quả thị mềm đi mới bóc ra ăn, rồi tách vỏ thị thành nhiều cánh xếp lên tường dán thành những bông hoa. Trong truyện Mắt biếc, tôi từng bồi hồi nhớ lại “Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng. Người lớn lẫn trẻ con làng tôi đều thích trò này. Mỗi năm, đến mùa thị chín, trên những bức vách và những cánh cửa của các ngôi nhà trong làng lại bỗng nhiên xuất hiện vô số những bông hoa vàng. Những bông hoa này hẳn nhiên do những tay nghịch ngợm nào đó lén dán lên vào tối hôm trước nhưng rồi người ta cứ để mãi, chẳng ai buồn gỡ xuống, kể cả chủ nhà, chỉ có thời gian và mưa gió mới làm chúng tróc đi. Trong thời gian đó, khách đến làng tôi có cảm giác như đi giữa một rừng hoa mênh mông và vàng rực. Ngay cả lũ bướm cũng bị lầm. Chúng cứ lượn quanh trước các ngôi nhà từ sáng đến chiều, mãi đến khi trời sụp tối, chợ Đo Đo đã lên đèn, bấy giờ đói meo và thất vọng, chúng mới buồn rầu đập cánh bay đi”. Chị Kato Sakae, người dịch tác phẩm Mắt biếc sang Nhật ngữ, rất thích hình ảnh này. Lần nào qua Việt Nam, chị cũng hỏi tôi về quả thị. Rốt cuộc tôi phải nhờ bạn bè tìm cho chị vài quả, hướng dẫn chị cách bóc vỏ thị làm hoa trên tường, lúc đó chị mới thôi nằn nì.
Quả thị – Trái cây của kỷ niệm
Thị không phải là loại trái cây để ăn no bụng như mít, xoài, mãng cầu hay đu đủ, trừ khi quá đói. Bởi thực ra, nó không phải là loại trái cây ngon. So với hương thơm ngào ngạt thỏa mãn khứu giác, những cánh hoa vàng làm từ vỏ thị thỏa mãn thị giác thì cái vị ngòn ngọt, chan chát của quả thị rõ ràng không đáp ứng đòi hỏi nghiêm túc của vị giác. Đó là loại trái cây để ngửi, để ngắm, để chơi, chứ không phải để ăn. Ngay cả cách “thu hoạch” thị cũng khác: Hồi bé, cạnh ngôi trường làng tôi học có một cây thị già, nhưng tôi nhớ hầu như không đứa học trò nào trèo cây hái quả. Trẻ con hái ổi, hái mận, hái xoài, nhưng không hái thị. Chúng tôi chờ thị rụng để thi nhau nhặt, có khi đánh nhau đến bươu đầu sứt trán để giành giật những quả thị đôi khi dập nát. Nhặt thị rụng là một trong những trò chơi thú vị của chúng tôi hồi đó. Và vật nhau đến rách áo, chỉ để nhặt thị về chơi, để xuýt xoa mùi thơm chứ không phải để ăn. Tất nhiên, cuối cùng rồi cũng ăn, nhưng ăn không phải là mục đích đầu tiên, càng không phải là mục đích duy nhất. So với cách ứng xử với các loại trái cây khác, thái độ của trẻ thơ (và có lẽ cả người lớn nữa) đối với quả thị rõ ràng rất khác.
Bà hàng nước trong truyện Tấm Cám khi nhìn thấy quả thị do cô Tấm hóa thân, đã cất giọng ngọt ngào :“Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Bà già đôn hậu đó cẩn thận quá, chứ nếu bà không nói thế tôi tin cô Tấm vẫn biết thừa bà sẽ không ăn quả thị đó. Trẻ con không xem chuyện ăn thị là tiên quyết – với người già, chuyện “bà để bà ngửi chứ bà không ăn” lại càng đáng tin.
Kỷ niệm trái cây và tuổi thơ
Rõ ràng, quả thị được lưu giữ trong ký ức con người không phải với tư cách một món ăn mà với tư cách một món chơi. Chính điều đó khiến quả thị trở thành một phần kỷ niệm của những ai từng lớn lên ở làng quê miền Trung. Những trưa đứng bóng, vừa tới lớp, quẳng vội cặp sách lên bàn rồi ba chân bốn cẳng chạy lại xúm xít quanh gốc thị để giành quả rụng là một trong những ngọn nến lung linh trong ký ức tuổi thơ tôi. Lớn lên chút nữa, hình ảnh những nữ sinh áo trắng thướt tha bỏ thị trong cặp sách để hương đượm quanh tà áo là một câu chuyện thơ mộng khó quên khác.
Sau này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, “ngoái đầu thương dĩ vãng”. Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỷ niệm. Từ một bà già đến từ ngoại ô và hẳn trong khu vườn của chủ nhân có một cây thị hiếm hoi ở Sài Gòn.
Tôi đã đem những quả thị về nhà, đặt trên bàn viết để bồi hồi nghe hương thơm tuổi thơ quấn quít và nghe quá khứ thao thức vọng về. Tôi đã không ăn, cũng không bóc ra để xếp thành những bông hoa tuổi nhỏ. Ừ, xếp làm gì khi những cánh hoa vàng vẫn không nguôi lấp lánh trên bức tường kỷ niệm của tuổi thơ tôi…
NGUYỄN NHẬT ÁNH
Kỳ sau xin xem: Con dao rọc sách