Đôi nét về bài thuốc đông y
Cho dù là bài thuốc đông y (Nam hay Bắc) đều có thể gồm 1 vị hay nhiều vị. Ví dụ, bài Độc ẩm thang chỉ có vị Nhân sâm, bài thuốc chữa viêm gan chỉ có vị Nhân trần. Bài thuốc nhiều vị là có hai vị trở lên như bài Thông xị thang gồm có Thông bạch và Đạm đậu xị hay bài Nhân trần Chi tử thang gồm có Nhân trần và Chi tử. Những bài thuốc Đông y đều do người thầy thuốc hoặc nhân dân dựa theo kinh nghiệm chữa bệnh mà dựng nên.
Việc phân loại bài thuốc dựa theo 8 phương pháp điều trị của Đông y như: Thuốc giải biểu, thuốc gây nôn, thuốc tả hạ, thuốc hòa giải, thuốc thanh nhiệt, thuốc khu hàn, thuốc tiêu đạo, thuốc bổ dưỡng. Ngoài ra còn có các loại thuốc lý khí, lý huyết, thuốc khu phong, thuốc trừ thấp, thuốc khai khiếu, thuốc cố sáp, thuốc trục trùng.
Các dạng thuốc và cách sử dụng
Thuốc đông y thường dùng gồm 5 loại: Thang, hoàn, tán, cao, đan. 4 loại nói sau là thuốc chế sẵn thường gọi là cao đan hoàn tán, có loại mang tên là hoàn tán nhưng thực tế ứng dụng như thuốc thang.
1. Thuốc thang
Đem vị thuốc đun với nước thành thuốc nước (có lúc cho vào ít rượu) bỏ bã đi, uống nóng gọi là thuốc thang. Vị thuốc đông y phần lớn là thực vật, cho nước vào đun sôi, chất thuốc thôi ra trong nước, sau khi uống hấp thu vào người tác dụng của nó tương đối mạnh mà dễ xử lý linh hoạt, thích ứng với các loại bệnh, là một loại thông dụng nhất trong các loại. Với chứng bệnh phức tạp biến chứng nhiều, dùng thuốc thang là hợp nhất.
Đặc điểm là dễ gia giảm hợp với tình hình bệnh cho nên là loại thuốc thường được dùng nhiều nhất trên lâm sàng.
Nhược điểm chính của thuốc thang là cồng kềnh, mất công sắc thuốc, mất thì giờ, tốn chất đốt, có lúc lượng thuốc nhiều đối với trẻ em sẽ khó uống và khuyết điểm lớn nhất của nó là đun sắc không tiện và trẻ con không thích uống.
2. Thuốc hoàn (thuốc viên)
Đem thuốc tán bột mịn dùng với nước mật hoặc hồ viên thành hoàn. Khi dùng thuận tiện nhưng vì trong thuốc có cả bã nên hấp thu chậm, thường dùng chữa bệnh thư hoãn. Nhưng có vài vị thuốc dược tính mãnh liệt mà muốn được hấp thu từ từ nên chế thành hoàn. Ưu điểm của thuốc là cho đơn có được uống ngay nhưng thuốc để lâu khó bảo quản, liều lượng có khi phải dùng nhiều, trẻ nhỏ khó uống.
3. Thuốc tán
Đem vị thuốc tán thật nhỏ thành bột mịn dùng với nước mật hoặc hồ viên thành hoàn. Thuốc tán uống trong có thể tiêu với nước nóng hoặc đun sắc lên uống như thuốc thang. Tác dụng của nó gần như thuốc thang, khuyết điểm là khi dùng không tiện, còn khó bảo quản hơn thuốc hoàn, thuốc tán dùng ngoài là đem vị thuốc tán thật nhỏ xoa hoặc đắp lên chỗ đau, phần nhiều dùng chữa bệnh ngoại khoa, thương khoa, hầu khoa, nhãn khoa.
4. Thuốc cao
Là dạng thuốc được sắc lấy nước cô đặc thành cao, thuốc có thể chế thành dạng sirô hoặc dạng rượu để dễ bảo quản. Được chia làm 2 loại uống trong và dùng ngoài. Thuốc cao uống trong thì đun sắc thuốc xong bỏ bã, cho đường cục hoặc mật ong vào cô đặc thành cao, lúc dùng uống với nước chín. Ưu điểm của nó là tận dụng được hết tinh chất của thuốc, đã cô thành cao mùi vị thơm dễ uống, chữa bệnh mạn tính, trị bổ, điều lý là thích hợp, khuyết điểm là không để lâu được, phần nhiều dùng trong mùa đông. Thuốc cao dùng ngoài có thuốc cao và dầu cao.
5. Thuốc đan(đơn)
Thuốc hoàn hoặc tán, đưọc tinh chế như các loại Chí bảo đơn, Hồi xuân đơn, Tử tuyết đơn. Có thuốc muốn chứng tỏ linh nghiệm nên gọi là đan như Thần tê đan, Cam lộ tiêu độc đan. Thuốc đan có tán, hoàn, khoai (cục), có thể uống trong hoặc dùng ngoài. Ngoài ra còn có đan tửu đan lộ v.v…
Cách sắc thuốc và cách dùng thuốc đông y
Nên sử dụng ấm đất, vì dùng ấm kim loại sẽ có phản ứng hóa học khi có tác dụng nhiệt. Thuốc bỏ vào ấm đổ nước ngập khoảng 2 cm, ngâm thuốc khoảng 15 – 20 phút trước lúc sắc cho thuốc ngấm đều nước, với thang thuốc ngoại cảm thường sắc 2 lần. Mỗi lần sắc còn 1/3 lượng nước đổ vào, thuốc bổ nên sắc 3 lần lúc nước sôi cho nhỏ lửa, sắc lâu hơn và thuốc cô đặc hơn.
Những lưu ý khi sắc thuốc:
- Những thuốc thơm có tinh dầu như Bạc hà, Hoắc hương, Kinh giới, nên cho vào sau (10 phút trước khi đem thuốc xuống).
- Những loại thuốc cứng, nặng như vỏ sò, mai rùa cần đập vụn và cho vào sắc trước.
- Những thứ hạt nhỏ như hạt Củ cải, hạt Tía tô, nên bỏ vào vải rồi cho vào sắc.
- Những thuốc có độc tính như: Phụ tử, Ô đầu, Thảo ô, nên sắc trước độ nửa giờ rồi cho các thuốc khác vào sau.
- Những thuốc quí như: Nhân sâm hoặc thuốc nam lượng nhiều quá cũng nên sắc riêng rồi trộn chung với thuốc sắc để uống.
Cách dùng thuốc: Tùy theo loại thuốc mà cách uống thuốc khác nhau, thường mỗi thang thuốc sắc 2 lần.
- Nếu là thang thuốc bổ nên sắc 3 lần rồi trộn lẫn uống trong một ngày.
- Thuốc thanh nhiệt và thuốc dưỡng âm nên uống lúc nguội.
- Thuốc tán hàn và thuốc bổ dương nên uống nóng.
- Thuốc chữa ngoại cảm, trừ phong nên uống lúc đang bệnh.
- Thuốc bổ và thuốc chữa bệnh mạn tính nên uống vào sau lúc ăn 1 – 2 giờ, thường uống vào 8 giờ sáng, 2 giờ chiều, tối trước lúc đi ngủ. Đối với trẻ em lượng thuốc có thể chia nhiều lần để uống trong ngày.
Đơn vị cân thuốc: Theo cân lượng thường dùng cân thuốc Đông y (1 cân = 16 lạng) tính thành gam như sau: 1 cân = 500 gam, 1 lạng = 31,25 gam, 1 đồng cân = 3,1 gam, 1 phân = 0,31 gam, 1 gam = 3 phân 2 ly, 1 ly = 0,03 gam.
Để hiểu rõ hơn về cách dùng thuốc, quý khách có thể đến Phòng Khám Y Học Cổ Truyền Bảo Thanh Đường 210 Lê Lai, TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn tường tận.
Đọc thêm tại www.lrc-hueuni.edu.vn