Cà dại hoa trắng

Cà dại hoa trắng – Solanum torvum Swartz, thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả: Cây nhỏ, mọc đứng, cao 2-3m, mang cành có gai. Lá mọc so le, có cuống hình trứng rộng, thường có thuỳ nông (ít khi nguyên), dài 18-25cm và rộng tới 18cm; cuống lá có gai, dài 3-10cm; phiến lá có lông mềm hình sao, gân giữa có gai. Cụm hoa xim ở kẽ lá. Hoa có cuống mang đài hoa 5 thuỳ có tuyến, có gai dài 3-5mm; tràng 5 thuỳ trắng, hình bánh xe; 5 nhị dài 5-6mm. Quả mọng hình cầu, khi chín màu vàng đường kính 10-15mm.

Mùa hoa quả tháng 4 đến tháng 7.

Bộ phận dùng: Rễ – Radix Solani Torvi. Lá, hoa và quả cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái: Loài liên nhiệt đới, mọc hoang ở vùng núi. Thu hái rễ quanh năm. Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, hơi mát, có ít độc; có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau, trừ ho.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị: 1. Đau cả vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương; 2. Đau dạ dày, đau răng; 3. Bế kinh; 4. Ho mãn tính. Dùng 10-15g rễ, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị đinh nhọt và viêm mủ da: giã lá tươi và đắp vào chỗ đau. Người bị bệnh tăng nhãn áp không dùng.

Đơn thuốc:

1. Chứng khó đái: Nước hãm lá tươi Cà dại hoa trắng, phối hợp với cành lá của cây Đơn buốt.

2. Đau bụng của trẻ em: Hãm hoa lấy nước cho uống.

3. Ong (vò vẽ) đốt, nứt nẻ ở bàn chân, kẽ chân: Quả giã nát với Lá lốt, lấy nước bôi.

4. Đau răng: Rễ Cà dại hoa trắng sắc đặc với rễ Chanh, vỏ cây Lai, vỏ cây Trẩu, mỗi vị 10g, lấy nước ngậm rồi nhổ nước.

Nguồn: https://www.lrc-hueuni.edu.vn/

Tham khảo  Câu kỷ
Mục nhập này đã được đăng trong Đông y. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *